Chuyển đổi số trong cho vay tín dụng chính sách
Nhận thức rõ tác dụng và tính ưu việt của việc chuyển đổi số trong thời đại công nghiệp 4.0, thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Krông Bông đã đẩy mạnh triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số trong hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách. Từ đó, bước đầu đã tạo được sự liên kết chặt chẽ trong công tác quản lý, nâng cao tính công khai minh bạch đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Cùng với việc tập trung triển khai các giải pháp huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân cho các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, hoàn thành tốt kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cũng đã tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số. Thời gian qua, trong quá trình thực hiện giao dịch tại các điểm giao dịch xã, thị trấn cán bộ của Phòng giao dịch đã hướng dẫn cán bộ của các tổ chức hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn cài đặt, sử dụng ứng dụng phần mềm VBSP Smart Banking; tổ chức các hội nghị tập huấn về nghiệp vụ tín dụng chính sách ứng dụng chuyển đổi số dành cho cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, trưởng khu dân cư, tổ trưởng tổ TK&VV. Đồng thời đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khách hàng cài đặt và sử dụng ứng dụng VBSP Smart Banking trên điện thoại thông minh.
Đặc biệt, với việc minh bạch hóa các giao dịch tín dụng chính sách góp phần giúp các thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH, cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn, buôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các Tổ Tiết kiệm và vay vốn nắm bắt được hiệu quả trong quá trình hoạt động, giám sát, quản lý, điều hành tín dụng chính sách xã hội. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các sản phẩn dịch vụ tài chính của NHCSXH, góp phần nâng cao hiểu biết tài chính, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen công nghệ số. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách, cũng như tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng. Ông Lê Bá Tự, Tổ trưởng tổ TK & VV thôn 6 xã Hòa Phong chi biết “Tổ hiện có 52 thành viên vay vốn với 7 chương trình tín dụng chinh sách, tổng dư nợ hơn 2,8 tỷ đồng. Thời gian trước các thành viên đều tìm hiểu thông tin vay vốn từ các văn bản giấy hoặc đến gặp trực tiếp để được nghe giải thích, hướng dẫn. Nay việc ứng dụng công nghệ số của của Ngân hàng CSXH trên thiết bị di động không chỉ giúp giảm tải nhiều việc cho công tác quản lý mà còn giúp bà con thuận lợi. Các bên vay và cho vay tiết giảm được nhiều thời gian, hạn chế việc phải đên tận nhà hay nơi làm việc để thông tin trao đổi.”
Được cán bộ Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn cài đặt, sử dụng dịch vụ Mobile Banking, thấy được sự tiện lợi, chị Mai có thể biết được số kỳ đóng gốc, lãi khoản vay của mình, chuyển tiền đóng lãi mà không cần phải ra ngân hàng và cũng có thể nắm bắt được các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các hộ chính sách khác. Chị Nguyễn Thị Mai, thôn điện Tân, xã Cư Pui cho biết: “Hiện tại tôi đang vay 400 triệu vốn tín dụng chính sách chương trình nhà ở xã hội. Trước đây, khi muốn tìm hiểu về các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi, kỳ đóng gốc, nộp lãi đối với khoản vay của gia đình tôi đều phải trực tiếp tới điểm giao dịch hoặc gặp cán bộ tín dụng để đối chiếu và nộp. Nhưng, nhờ được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng VBSP Smart Banking, thì nay dù ở bất cứ đâu, thời gian nào chỉ cần điện thoại có kết nối Internet, tôi có thể dễ dàng tra cứu các thông tin tài khoản thanh toán, nộp tiền gửi, trả tiền vay hằng tháng; lịch sử giao dịch; thông tin các chương trình tín dụng của ngân hàng. Tôi thấy ứng dụng VBSP Smart Banking rất tiện lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại”.
Hiện trên địa bàn huyện có 331 khách hàng vay vốn và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng dịch vụ và thực hiện giao dịch qua ứng dụng Mobile Banking. Trong đó, 37 khách hàng vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội. Các khách hàng này không những thường xuyên sử dụng Mobile Banking để thanh toán mà còn trả nợ các khoản lãi, gốc hàng tháng mà không phải đến trực tiếp ngân hàng, chỉ bằng các thao tác đơn giản trên điện thoại.
Chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng CSXH là bước tiến mới, phù hợp với mục tiêu của tài chính toàn diện. Thời gian tới, để tăng số lượng khách hàng và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể ủy thác các cấp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khách hàng về các dịch vụ qua điện thoại di động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm bắt thực tế việc triển khai. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính của Ngân hàng CSXH, góp phần nâng cao hiểu biết tài chính, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số, đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách, cũng như tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng góp phần thúc đẩy tiến trình hệ sinh thái số về tài chính toàn diện và hỗ trợ thực hiện các chương trình về an sinh xã hội, tiến tới giảm nghèo bền vững.
Ái Phương